Wednesday, March 23, 2011

Ethics approval

got my ethics approval today, counting down to the day of going back to Vietnam.

Saturday, March 19, 2011

Thầy ơi, chữ "tâm" sao viết khó quá!



Có một chữ chỉ vẻn vẹn bốn nét mà con viết mãi không thành. Đấy là chữ "TÂM" thầy ạ! Kì học đầu tiên, thấy trong lịch học có môn Cơ sở ngôn ngữ và văn tự Hán Nôm, con đã thấy khó hiểu.
Đó là môn học gì nhỉ? Chẳng lẽ học ở khoa Văn thì phải học cả chữ Hán. Cũng thú vị đây!
Buổi học đầu tiên, con đi học mà vẫn chưa biết mình học cái gì, nhưng thấy háo hức - như một đứa trẻ trong một sinh viên còn nhiều bỡ ngỡ với môi trường học tập mới. Và thầy bước vào, mang đến cho chúng con những điều mới lạ, rồi dần dần con cũng hình dung ra cái mình đang học, bằng một niềm say mê, thú vị đến lạ thường… Con đâu biết rằng mình đã yêu những nét chữ Hán ngay từ cái ngày đầu được biết và viết nó. Những nét sổ, nét ngang, những nét chấm, nét mác… hợp lại mà thành những chữ có hình thù giống với ý nghĩa nó mang trong mình, như thể những con chữ mang linh hồn cuộc sống. Con miệt mài, mê mẩn viết thuộc từng chữ… Niềm say mê khiến người ta dễ dàng thành công. Và sự thành công nhỏ nhoi của con là được thầy khen viết chữ Hán đẹp.
Con viết chữ "nhật", "nguyệt", "mộc", "thủy"… rồi cả những chữ nhiều nét như "điểu", "ngư"… thật dễ dàng. Nhưng có một chữ chỉ vẻn vẹn bốn nét mà con viết mãi không thành. Đấy là chữ "TÂM" thầy ạ!
Chữ "tâm" sao viết khó quá thầy ơi! Nó chỉ có ba nét chấm và một nét cong móc thôi. Thầy bảo viết chữ Hán phải viết theo quy tắc bút thuận, nhưng khi đặt bút viết con lại không nhớ trật tự của từng nét. Con cẩu thả nguệch một nét cong móc rồi đánh ba nét chấm vào. Khi nhìn vào chữ ấy, người ta làm sao mà biết mình có viết đúng theo quy tắc hay không. Thầy dạy, lòng người cũng cần phải có trật tự, phải biết suy nghĩ trước sau, nên con không dám viết cẩu thả, bừa bãi nữa. Dần dần, con cũng nhớ được rằng phải chấm "giọt máu" ở ngoài cùng tay trái trước, rồi vẽ nét cong móc hình quả tim và cuối cùng mới là hai "giọt máu" còn lại. Như thế mới là chữ "tâm" chỉn chu thầy nhỉ?
Nhớ rồi con viết đi viết lại nhiều lần, nhưng mỗi lần nhìn lại cái chữ "tâm" là thành quả ấy con đều không ưng ý. Chữ tâm thầy viết đẹp hơn cơ. Ba nét chấm như những giọt máu căng tròn chảy vào quả tim, như tình thương lúc nào cũng cuộn chảy và ắp đầy trong tâm. Sao ba nét ấy con viết nó khô khốc, gầy guộc quá, không có chút hồn nào cả! Con buồn… Lẽ nào con chưa có nhiều tình thương để gửi vào ba "giọt máu" ấy? Thầy ơi, chữ "tâm" sao viết khó quá vậy!
Đến cái nét cong móc kia còn phức tạp hơn. Khi con lớn lên một chút, con hiểu ra rằng không thể nguệch ngoạc vẽ cho giống hình quả tim là được. Phải vẽ thế nào để nó ra hình thù của lòng người mới được chứ? Nét này có đoạn phải viết cong tròn, mềm mại và đầy đặn. Đó là cái góc chứa mọi tình cảm của nhân gian, lúc nào cũng muốn thâu vào tất cả, ôm ấp tất cả để căng mọng tình đời. Nhưng cũng có đoạn phải cứng tay mà viết nét móc cho nhọn. Đó là cái phần gai góc của tâm hồn con người. Cái tâm cần gai góc để thấu hiểu nhân tình, để tình yêu mình gửi đi không bị nhầm chỗ. Con người ta cứ hiền mãi thì đến một ngày dễ ác lắm! Ác đến thậm tệ… Bởi thế vẫn cần có những lúc góc cạnh, sắc nhọn để giải tỏa cái "tôi" cho nó không quay lại đâm thủng phần mềm mại, cong tròn kia. Trong thâm tâm, con vẫn ý thức được từng đoạn từng nét ấy, nhưng cầm bút viết, con vẫn không sao chỉnh được theo ý muốn, bàn tay con cứng lại… Bao nhiêu năm vẫn không viết được một chữ "tâm" hoàn hảo. Chữ "tâm" sao viết khó quá thầy ơi!
"Thầy ơi, chữ "tâm" sao viết khó quá?". Mỉm cười âu yếm nhìn con, thầy bảo: "Con đã tập viết chữ "tâm" được bao nhiêu năm, còn thầy đã tập viết nó gần cả một đời rồi. Cả một đời tập viết chữ "tâm" mà thầy cũng chưa viết nó được hoàn hảo, được ra hồn". Con hiểu rồi, cuộc sống là hành trình đi kiếm tìm chữ "tâm" và khi tìm được rồi thì phải trau chuốt cho nó. Viết chữ "tâm" khó nên con phải tập viết nó đến cuối đời, đến khi nào nhắm mắt xuôi tay…
Theo Mực Tím

Nghiên cứu khoa học





- sưu tầm-


1) "... nguyên tắc quan trọng là tác giả phải trích dẫn bản gốc của tài liệu tham khảo, chứ không trích từ nguồn thứ phát (secondary sources).  Chẳng hạn như nếu muốn trích dẫn Nietzsche, thì tác giả phải đọc Nietzsche, chứ không phải trích dẫn từ một tác giả khác đọc hay dịch Nietzsche.  Lí do đơn giản là người ta có thể hiểu  sai hoặc dịch sai Nietzsche, và trích dẫn từ nguồn thứ phát sẽ có thể dẫn đến hệ quả sai dây chuyền.." (nguồn: http://nguyenvantuan.net/otherskills/1201-ki-nang-nghien-cuu-lap-luan-va-trich-dan)


2) Luận án chỉ là một tiêu chuẩn (có thể quan trọng) trong các tiêu chuẩn để được cấp bằng tiến sĩ. Ngoài luận án ra, nghiên cứu sinh phải đáp ứng 6 tiêu chuẩn như sau :
  • Nghiên cứu sinh phải chứng tỏ mình có những kiến thức cơ bản về khoa học, và những kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực nghiên cứu mà thí sinh theo đuổi;
  • Nghiên cứu sinh phải am hiểu các tài liệu nghiên cứu cần thiết về lĩnh vực chuyên môn mình theo đuổi, và phải có khả năng cập nhật hóa kiến thức cũng như tất cả những phát triển mới liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu;
  • Nghiên cứu sinh phải chứng tỏ kĩ năng phát hiện vấn đề hay đặt câu hỏi có ý nghĩa cho nghiên cứu chuyên ngành của mình;
  • Nghiên cứu sinh phải làm chủ được phương pháp nghiên cứu khoa học hay phương pháp thí nghiệm cơ bản;
  • Nghiên cứu sinh phải chứng tỏ đã đạt được những kĩ năng về truyền đạt thông tin, kể cả trình bày kết quả nghiên cứu trong các diễn đàn khoa học quốc gia và quốc tế, khả năng viết báo cáo khoa học;
  • Nghiên cứu sinh phải chứng tỏ mình đã nắm vững kĩ năng thiết kế một công trình nghiên cứu và độc lập trong nghiên cứu
3) Học tiến sĩ để làm gì?
  • Thứ nhất, thí sinh có thể tự hào rằng mình đã hoàn tất chương trình học, hoàn tất nghiên cứu, và được trao văn bằng tiến sĩ.  Nếu thí sinh có khả năng và đam mê, sự nghiệp nghiên cứu khoa học có thể đem lại cho thí sinh nhiều phần thưởng vật chất và tinh thần có giá mà các ngành nghề khác không có được.
  • Thứ hai, trong khi theo học tiến sĩ hay sau khi tốt nghiệp, thí sinh có thể sẽ gặp gỡ và làm việc với những người thông minh nhất trên hành tinh này.  Thí sinh sẽ tiếp cận và tiến dần đến những lí tưởng và ý tưởng không nằm trong tầm tay của mình, và để làm việc đó, thí sinh sẽ cảm thấy tri thức mình trưởng thành thêm.  Thí sinh sẽ giải quyết nhiều vấn đề mình chưa bao giờ gặp trước đó.  Thí sinh sẽ khám phá các khái niệm chưa bao giờ được nghe đến.  Thí sinh sẽ phát hiện những nguyên lí có thể làm thay đổi xã hội và con người.
  • Thứ ba là lí tưởng sống của người làm nghiên cứu khoa học rất có ý nghĩa.
(nguồn: http://nguyenvantuan.net/education/3-edu/968-tien-si-la-gi-)

Monday, March 7, 2011

Hòai cổ!



Hôm nay ngồi nhớ lại bài thơ xưa của Thôi Hộ.

Đề Đô Thành Nam Trang
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong
- Thôi Hộ-



Đề (thơ) ở trại phía Nam Đô Thành
Ngày này năm ngoái tại cửa đây
Hoa đào và mặt người cùng ánh lên sắc hồng
Gương mặt người xưa giờ không biết chốn nao
(Chỉ thấy) hoa đào vẫn như cũ cười với gió đông.
  • Đô Thành: Tức Trường An (kinh đô nhà Đường)



Saturday, March 5, 2011

Nữa ly nước

Bạn thấy gì trong 1/2 ly nước?


Hãy nhìn theo cách là bạn "CÓ / CÒN" nữa ly nước chứ không phải bạn đã mất đi nữa ly. Hãy nhìn nó như 'nữa ly nước đầy'.
Hãy nhìn đời lạc quan để sống!

Lượm lặt

Friday, March 4, 2011

Qua khung cửa kiếng

Một đôi vợ chồng trẻ vừa dọn vào một căn nhà mới. Sáng hôm sau, vào lúc ăn sáng, cô vợ thấy nột người phụ nữ láng giềng đem phơi quần áo vừa giặt. Cô bảo: “Quần áo còn bẩn quá, rõ bà này chẳng biết giặt.” Có lẽ bà ta cần loại xà-phòng khác tốt hơn. Anh chồng nhìn qua rồi im lặng. Và rồi cứ mỗi lần thấy người láng giềng phơi quần áo thì lại có lời phê phán...


Một tháng sau, vào một buổi sáng, cô vợ ngạc nhiên khi thấy quần áo người láng giềng đem phơi sạch sẽ và cô nói với chồng: “Anh xem kìa, bà ta đã học được cách giặt giũ! Không biết ai đã dạy cho bà ấy?" Anh chồng đáp: “Không... sáng nay anh dậy sớm và lau khung cửa kiếng nhà mình ấy chứ!"


Cuộc đời cũng thế. Tất cả tùy thuộc vào mức độ sạch của khung cửa sổ mà qua đó ta nhìn các sự kiện. Trước khi phê phán, thiết tưởng có lẽ trước tiên nên xác định lại cái nhìn của chúng ta. Như thế, chúng ta sẽ nhìn thấy rõ ràng sự trong sáng của tâm hồn người khác.








Tuesday, March 1, 2011

Gã hành khất và hai người thầy giáo


Ông giáo Hùng gặp gã hành khất ấy ở một trạm bán xăng. Gã di chuyển bằng cách bò lết với cái chân khoèo và một cánh tay áo lắt lay. Nhìn gã, ông giáo Hùng giật mình. Hình như đã một lần ông gặp. à, phải rồi...

Lần ấy, trong con hẻm vắng, ông thấy gã đang bò lết bỗng đứng dựng dậy, thò cái tay tưởng là cụt ra đếm tiền. Hóa ra hàng ngày hắn giả bộ tàn tật. Lần gặp này, hắn không nhận ra ông nên vẫn thò cánh tay còn lại cầm ngửa cái mũ phớt ra xin tiền. Vào trường hợp khác, ông đã cho hắn một cái bạt tai. Nhưng hôm nay, ông lại không, lại nở một nụ cười nhân từ, móc túi bố thí cho hắn tờ giấy bạc 20.000 đồng. Rồi ông lại cho tiếp hắn 20.000 đồng nữa và bảo :
- Anh dùng tiền này để thuê xe nhờ họ chở đến nhà một ông bạn tôi, ông ấy giàu có và thương người lắm. Anh nhờ cậy được đấy.

Ông xé cuốn sổ tay viết ra cái địa chỉ người bạn ấy, Không quên viết thêm cái địa chỉ của ông.

Mấy hôm sau, đúng như ông dự đoán, gã ăn mày đã tìm đến nhà ông. Khác hẳn thường ngày, hôm nay hắn đi đứng đàng hoàng với đầy đủ cả tay lẫn chân. Vừa nhìn thấy ông, hắn đã cúi rạp đầu:
- Cháu đến để cám ơn ông.

Ông dắt hắn vào nhà, ân cần hỏi han:
- Tìm được nhà ông bạn tôi chứ?
- Dạ, được.
- Ông ấy có cho anh gì không?
- Dạ nhiều, về tiền thì cho những một trăm ngàn đồng, nhưng cháu không dám nhận, cháu chỉ nhận?
- Nhận gì?
- Một sự dạy dỗ.
- Một sự dạy dỗ?- Ông giáo Hùng nhắc lại.
- Vâng, đúng như thế. Ông ấy tàn phế, liệt cả hai tay, vậy mà với đôi bàn chân còn lại, ông ấy đã làm nên tất cả. Sự nghiệp, tiền bạc? Trong khi cháu thì?

Nói xong, anh ta đứng thẳng dậy, chìa cả hai cánh tay, trong đó có cái tay bao ngày qua cứ bị oan uổng cột chặt vào tấm thân lực lưỡng của gã, để đón ly trà nóng từ tay ông giáo Hùng.

Sau khi gã ra về, ông giáo Hùng nhấc máy điện thoại lên:
- A lô! Thầy Nguyễn Ngọc Ký đấy phải không? Vâng, từ nhà thầy, anh ta vừa mới đến đây, và gửi lời cảm ơn thầy! 

Sưu tầm

Điều kỳ diệu từ cách nhìn cuộc sống

Nhận được từ một email của một người bạn:


Dù đã sẵn sàng hay còn chưa chuẩn bị, nhưng rồi một ngày kia, chúng ta cũng phải chia tay thế giới này. Sẽ chẳng còn ánh mặt trời chói chang chào đón, sẽ chẳng còn một ngày mới bắt đầu bằng giọt nắng trong vắt của buổi bình minh. Sẽ không còn nữa những ngày xuân hiền hòa, ấm áp.

Tiền bạc, danh vọng, quyền lực,… tất cả với ta cuối cùng cũng sẽ trở thành vô nghĩa. Còn ý nghĩa chăng là những gì ta tạo ra đối với thế giới này. Vậy điều gì là thật sự quan trọng lưu lại dấu ấn của ta trong cuộc sống?

Quan trọng không phải là những thứ bạn mang theo bên mình, mà là những gì bạn đã đóng góp.
Quan trọng không phải là những thứ bạn nhận được mà là những gì bạn đã cho đi.
Quan trọng không phải là những thành công bạn đã có được trong đời, mà là ý nghĩa thật sự của chúng.
Quan trọng không phải là những thứ bạn học được, mà là những gì bạn đã truyền lại cho người khác.
Quan trọng không còn là năng lực của bạn, mà là tính cách, là những gì bạn cư xử với mọi người xung quanh.
Quan trọng là những khoảnh khắc bạn khắc ghi trong long người khác khi cùng chia sẻ với họ những lo âu, phiền muộn, khi bạn an ủi và làm yên lòng họ bằng cách riêng của mình, hay chỉ đơn giản là một cái nắm tay, đỡ cho một người khỏi ngã.
Quan trọng không chỉ là những ký ức, mà phải là ký ức về những người đã yêu thương bạn.
Quan trọng đâu chỉ là bạn sẽ được mọi người nhớ đến trong bao lâu, mà là họ nhớ gì về bạn.
Quan trọng không phải là bạn quen biết thật nhiều người, mà là bao nhiêu người sẽ đau xót khi mất bạn trong đời.

Vậy thì, bạn ơi, hãy nhìn cuộc sống bằng ánh mắt yêu thương. Bởi vì chỉ có tình yêu thương mới đem lại những điều kỳ diệu cho cuộc sống.