Saturday, December 4, 2010

Thầy Bùi Ngọc Thạch: Cái tâm của một kỹ sư tâm hồn


"Đêm khuya thầy chưa ngủ bên trang vở chúng em, mệt mài ghi chăm chú, bao khó nhọc dưới đèn. Ôi tình thầy bao la, bát ngát như rừng hoa, vì đàn em thân yêu..."
Thầy Bùi Ngọc Thạch và cô Huỳnh Thị Kim Lan.
Ai đã sống qua tuổi học trò, nghe câu ca này mà không xao xuyến khi nghĩ về công lao của thầy, cô dạy dỗ. Trong rừng hoa dạy tốt của Trường THPT Chợ Gạo, chúng tôi muốn nhắc đến thầy Bùi Ngọc Thạch, người đã ngót ba mươi năm làm nghề "đưa đò" bằng phấn trắng, bảng đen. Người ta nhận ra thầy trước tiên là dáng đi khập khiểng bởi cơn sốt bại liệt từ nhỏ làm chân phải của thầy phát triển không bình thường. Cũng chính vì vậy mà thầy đã từng động viên, khuyên những em học trò có thân thể không may mắn như mình để các em không mặc cảm: "Thân thể mình què quặt nhưng tâm hồn các em không hề tật nguyền!"
Năm 1980, tốt nghiệp Đại học Khoa học (nay là Đại học Khoa học tự nhiên) khoa Toán, thầy về dạy ở Trường PTTH Vĩnh Kim đến tháng 10/1992, thầy chuyển về quê và tiếp tục phụ trách môn Toán học ở Trường THPT Chợ Gạo cho đến nay. Trong quá trình giảng dạy thầy tự nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm để nâng cao tay nghề. Thầy cho rằng muốn dạy tốt cần có khả năng diễn đạt và nhất là phải thấu hiểu vấn đề mới truyền đạt tốt cho học sinh. Thầy có cách dạy riêng, không phải cái kiểu dạy "thương con cho roi, cho vọt". Thầy gần gũi học sinh, nhất là những em yếu kém về học lực, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình và nguyên nhân các em học kém, sau đó tùy trường hợp mà giúp đỡ, tạo niềm tin cho các em tự tin học tập. Thầy cho rằng nếu hiểu được các em thì lời dạy dỗ của thầy cô mới có hiệu quả. Gần đây nhất là trường hợp của hai em Đặng Thị Vui và Huỳnh Thị Diễm Mi, lớp 12A10 (năm học 2009 - 2010) yếu các môn tự nhiên lại không siêng học. Mấy lần thi thử đều rớt. Theo nguyên tắc, học sinh khối 12 thi thử một, hai lần mà rớt thì mời phụ huynh đến trường. Thầy Thạch không áp dụng hình thức đó, thầy gặp gỡ hai em, hỏi thăm chân tình, tìm hiểu nguyên nhân rồi điều chỉnh chỗ ngồi ở vị trí dễ tiếp thu. Động viên, khích lệ, khen thưởng các em từng tiến bộ nhỏ để hai em phấn chấn học hành. Thật bất ngờ, hai em dần dần tiến bộ và thi đậu đại học. Vui học ngành Đông phương học (Trường Đại học Mở) Diễm Mi đang học ngành Văn (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn). Học trò của thầy rất nhiều người đã thành đạt và có địa vị trong xã hội như: Huỳnh Công Lớn, cán bộ giảng dạy Trường Đại học Bách khoa, hiện đang học tiến sĩ ở Đài Loan; bác sĩ Nguyễn Minh Tâm, Giám đốc Bệnh viện Tân Phước; Nguyễn Văn Mẫu, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Kim Châu Thành; nhiều người là kiến trúc sư, bác sĩ, làm nghề giáo... Hàng năm, học trò cũ vẫn rủ nhau về thăm thầy trong những dịp lễ, tết.
Thầy Thạch kể: "Thời thầy là sinh viên (1978...) rất là khổ cực. Tiền học bổng và dạy thêm chỉ đủ hai bữa cơm nhà nghèo. Thầy chỉ ăn mỗi ngày một bữa, nhịn một bữa để có tiền cho những nhu cầu khác. Thầy thường ăn cơm trễ, nếu có cơm dư thì xin về để ăn chiều. Có hôm đói lả người, leo lên cầu thang muốn không nổi, uống nước thay cơm mà cái bụng cứ réo gào. Những năm 1983- 1985, thầy lập gia đình với cô Huỳnh Thị Kim Lan, lúc đó ở tập thể nên ngoài giờ dạy thầy cô cùng trồng rau cải, môn để ăn, hàng ngày chỉ mua cho con 100g thịt... Lây lất với cái nghèo nên vợ chồng thầy rất cảm thông với học sinh có hoàn cảnh thiếu thốn".
Ba mẹ thầy là nông dân nhưng rất quý cái chữ nên tất cả bảy anh em của thầy đều theo nghề giáo. Người chị lớn của thầy là Nhà giáo ưu tú Bùi Ngọc Trắng, nguyên là giáo viên Trường THPT Chuyên nay đã nghỉ hưu; nhà giáo Bùi Tuyết Hồng cũng là cựu giáo viên của Trường THPT Trương Định. Hiện tại tính thêm thế hệ con cháu của thầy thì gia đình đã có 18 người theo nghề dạy học. Hai con thầy đều ngoan và học giỏi. Con gái Bùi Huỳnh Thủy Thương (1984) là học sinh giỏi tiếng Anh giải 3 toàn quốc được tuyển vào lớp Cử nhân tài năng của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn hiện được trường giữ lại làm giáo viên Anh ngữ. Con trai là Bùi Huỳnh Lam Bửu (1988) đang học năm cuối chương trình liên kết cử nhân công nghệ thông tin (Đại học Khoa học tự nhiên), em cũng từng đoạt giải 3 môn hóa học toàn quốc. Thầy chia sẻ: "Ngay từ khi các cháu còn nhỏ, thầy và cô đã tạo cho chúng thói quen làm việc có giờ giấc, hỗ trợ con trong học tập. Khuyên con cố gắng học tốt chứ không đặt nặng thành tích hay áp đặt con phải theo ý mình mà tôn trọng quyền lựa chọn của các cháu. Có lẽ thầy có phước nên các cháu đều ngoan và thông minh, học giỏi..."
Mỗi năm gần đến thi tốt nghiệp là nhà thầy thêm chật chội và náo nhiệt bởi thầy đem học sinh yếu về kèm cặp, hồi còn hai con ở nhà.., cứ đến lúc như vậy thì mọi sinh hoạt gia đình rất khó khăn nhưng cô Lan và hai cháu Thương, Bửu luôn có sự đồng cảm, ủng hộ. Thấy học sinh có hoàn cảnh khó khăn là thầy tìm cách kêu gọi mọi người ủng hộ, giúp đỡ. Đặc biệt là trường hợp của hai em Chung Tú và Ngọc Hân, mặc dù không dạy dỗ hai em nhưng thương hai em nhà nghèo, bệnh tật mà hiếu học, thầy đã tổ chức tiệc mừng đậu đại học cho Tú và Hân, vận động nhóm học trò cũ ở Vĩnh Kim, thầy cô và học sinh Chợ Gạo quyên góp hỗ trợ cho hai em mỗi suất là 5 triệu đồng. Sau đó cùng cô Lan (vợ thầy) đưa Chung Tú lên tận Thủ Đức để nhập học. Riêng Ngọc Hân thầy vận động bạn bè lót gạch bông, trang trí căn phòng của nhà Hân để em dưỡng bệnh. Lòng tốt của thầy Thạch được nhiều người hưởng ứng, người thợ thuê lót gạch cũng không nhận tiền công. Cảm động trước tấm chân tình của thầy, chị Trần Thị Tư, mẹ Ngọc Hân đã nói: "Thầy Thạch và cô Lan như cha mẹ thứ hai của bé Hân, thầy cho lót gạch, mắc đèn, treo hoa và tranh như phòng của công chúa để bé Hân nó vui. Mỗi lần đến thăm gặp Hân đang trong cơn đau nhức là thầy cô cận kề xoa bóp, động viên Hân cố vượt qua. Gia đình tôi không biết làm sao để trả ơn này..."
Khi biết cô Nguyễn Thị Thành (1942) ở cạnh nhà thường buồn và khóc vì con liệt sĩ Châu Văn Thanh hy sinh ở chiến trường K năm 1984 mà chưa lấy cốt về Việt Nam, thầy Thạch không ngại khó khăn đã đi gõ cửa các ngành chức năng từ huyện đến tỉnh. Nhiều người bảo việc này rất nhiêu khê nhưng thầy không nản lòng, cuối cùng thầy đã giúp cho bà mẹ tìm được mộ con ở Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Hài cốt đem về cải tang đã mười mấy năm nhưng gia đình không hay, đến năm ngoái nhờ thầy Thạch quyết tâm tìm kiếm và đã chở bà Thành đến trước mộ con mình.
Suốt mấy mươi năm đứng trên bục giảng, thầy chưa được nhận một giấy khen, bằng khen nào cho sự nghiệp giảng dạy của mình nhưng những trái tim yêu thương của bao thế hệ học trò đã kết thành vòng nguyệt quế dành tặng cho thầy. Xin trích những đoạn văn cháy bỏng niềm kính yêu ấy của những "khách lữ hành" đã đi qua "con đò kiến thức" của thầy Bùi Ngọc Thạch "...Những lần nhìn thấy mắt thầy đỏ lòng chúng con rất đau và tự hỏi tại sao mình lại làm cho thầy buồn để rồi cảm thấy lương tâm chúng con đầy tội lỗi... Dù sức khoẻ thầy không được tốt như bao nhiêu người khác, nhưng thầy có một trái tim, một tấm lòng cao cả, thầy đã cho chúng con thêm sức mạnh để vượt qua những thử thách trong học tập cũng như trong cuộc sống... Chúng con yêu thầy nhiều lắm!"
"Những điều mà thầy dạy cho tụi con không chỉ là những công thức trong sách vở, tụi con học được ở thầy niềm tin, đạo đức, cách làm người...Những thứ đó không hề nhỏ bé và không phải ai là nhà giáo cũng làm được!"
Ngọc Lệ