Saturday, April 23, 2011

Trăm năm nhà cổ Tiền Giang

(Sài Gòn Giải Phóng) Đập vào mắt chúng tôi là những hàng cột bằng gỗ mun đỏ với kích thước to cỡ cả người ôm, những bức hoành, câu liễn được chạm khắc tinh vi, sắc sảo, những mái ngói âm dương đã bạc mốc phủ lớp rêu xanh của thời gian... Chủ nhân những ngôi nhà trên 100 tuổi ấy đã là hậu duệ thứ ba, thứ tư trong dòng họ. Nhưng tiếc thay, trải qua sự bào mòn của thời gian, nhiều ngôi nhà cổ đã bị xuống cấp trầm trọng và có nguy cơ bị biến mất...
Thực trạng những ngôi nhà cổ Trong chuyến theo anh Lê Ái Siêm, Giám đốc Nhà Bảo tàng Tiền Giang, khảo sát, tập hợp tư liệu ngôi đình thần của xã Đăng Hưng Phước huyện Chợ Gạo nhằm đề nghị công nhận di tích lịch sử, chúng tôi thật xót xa khi thấy một trong số những căn nhà xưa ở sát chân cầu Kinh ấp Bình Phú Quới, xã Đăng Hưng Phước bị đập vì diện tích xâm phạm mốc lộ giới. Dãy nhà này vốn được nhiều người trong huyện biết đến là “khu phố Ông Văn” vốn có từ lâu đời (địa danh “Ông Văn” là tên của ông Dương Văn Văn vốn được xem là bậc có công khai phá vùng đất này). Nổi bật lên trong dãy nhà là ngôi nhà của anh Lâm Đăng Phát, 41 tuổi, cháu đời thứ tư của dòng họ Lâm. Căn nhà này là một trong ba căn ở Đăng Hưng Phước có tuổi xây cất gần 100 năm. Ngôi nhà được cất theo kiểu 3 căn, 2 chái, cột gỗ, mái lợp ngói âm dương, tường xây gạch đôi, nền lót gạch Tàu. Trên nóc, các đầu kèo, xiên trích, đố, vòm cửa đều được chạm hoa văn mang đậm nét thiên nhiên Nam Bộ. Hiện căn nhà này vẫn còn nguyên vẹn, chỉ có ngôi nhà sau đã được trùng tu lại do lớp ngói âm dương bị mục. Trong nhà vẫn còn lưu giữ một số cổ vật như, bàn, ghế, tủ thờ, khuôn liễn... đặc biệt trên bức liễn có ghi năm xây dựng 1911. 


Tương tự, căn nhà của cụ Lý Thị Định, 90 tuổi, tại ấp Bình Phú Quới cũng có thời gian xây cất xấp xỉ 100 năm. Trong nhà còn lưu giữ nhiều vật cổ như đèn treo, bộ lư đồng, tủ, thờ, chạm khắc tinh xảo, bức hoành... Hiện mái nhà này đã có nhiều dấu hiệu mục và bị dột, còn căn nhà sau đã được trùng tu lại do hệ thống cột bằng gỗ dầu đã bị mục. Người con út của cụ Định là bà Trần Thị Thanh Hương, 61 tuổi, vốn là một cựu giáo viên của Trường Tiểu học Đăng Hưng Phước, thuộc con cháu đời thứ tư của dòng họ Trần cho biết: “Gia đình cũng đang có kế hoạch trùng tu lại mái nhà vì sợ để lâu sẽ ảnh hưởng đến vật dụng bên trong”.

Theo thống kê chưa đầy đủ, thị xã Gò Công, vùng đất vốn được xem là “địa linh nhân kiệt”, là nơi tập trung nhiều ngôi nhà cổ nhất, đặc biệt là trong nội ô và vùng cận trung tâm còn khoảng 100 ngôi nhà. Anh Hoàng, Chủ tịch xã Long Hưng, thị xã Gò Công, đã giới thiệu cho tôi địa chỉ 3 ngôi nhà vốn được xem là cổ nhất tại ấp Lăng Hoàng Gia. Nằm cạnh dòng sông Sơn Quy là ngôi nhà của chú Phạm Văn Đê, 57 tuổi, cháu cố thừa kế họ Phạm. Theo lời chú Đê, ông cố chú vốn ở chợ Nhật Tảo, tỉnh Long An, sau đó tránh giặc Pháp nên chạy đến khẩn điền ở đây, căn nhà này được cất vào năm 1902. Thân sinh của chú Đê là liệt sĩ Phạm Huỳnh Anh hoạt động chống Pháp, hy sinh vào năm 1948 khi chú vừa tròn 3 tuổi. Cũng vì lý do này mà những vật dụng cổ xưa trong nhà đã bị Tây cướp sạch, kể cả những bổ kho đóng vách. Ngôi nhà chính cất theo dạng chữ đinh, mái lợp ngói âm dương, cột bằng gỗ mun đỏ to cỡ người ôm. Căn nhà phụ và nhà bếp đã được cất lại vì vào năm 1958 bị bom. Riêng cái cổng vào nhà xây bằng gạch thì đến nay vẫn còn đứng vững.

Ngôi nhà của chú Lê Văn Nu, 62 tuổi, cùng ấp cũng được cất theo kiểu chữ đinh, gỗ mun, mái lợp ngói âm dương và mọi kiến trúc chạm trổ trong nhà còn nguyên vẹn, kể cả những câu hoành, liễn và tấm gỗ mun gần 1m chạm trổ tinh vi có khắc ba chữ “Phước, Lộc Thọ”. Chỉ tiếc là căn nhà phụ vừa bị dỡ cách đây 2 tháng để xây lại vì mái nhà và hệ thống cột, kèo đã mục.

Sớm có một kế hoạch bảo tồn Anh Nguyễn Phước Tuấn, thành viên của Ban quản lý di tích thuộc Sở VH-TT Tiền Giang cho biết, sau đợt khảo sát vừa qua, hiện toàn tỉnh còn 350 căn nhà cổ nằm rải rác ở các huyện. Theo các tài liệu của Pháp để lại và kết luận của những nhà sử học, nhà cổ ở Tiền Giang hiện được chia ra làm hai loại: cổ dân gian truyền thống, cụ thể là các căn nhà cổ ở ấp Lăng Hoàng Gia, thị xã Gò Công, ngôi nhà của anh Phan Văn Đức ở Đông Hòa Hiệp, Cái Bè. Loại pha tạp kiến trúc của Đông Dương (kết hợp giữa kiến trúc Pháp và kiến trúc truyền thống Việt Nam) thì phổ biến hơn, như nhà Đốc phủ Hải tại trung tâm thị xã Gò Công (nay là nhà truyền thống của thị xã), hai căn nhà vừa kể trên ở xã Đăng Hưng Phước, lầu Bà Tám, lầu Bà Chín, lầu Hội đồng Năm ở xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây, một số công thự ở Mỹ Tho... Tuy nhiên, do hầu hết đều phải chịu sự bào mòn của thời gian và một số còn bị sự tàn phá của bom đạn chiến tranh nên phần lớn nhà cổ ở Tiền Giang gần như đã bị xuống cấp trầm trọng. Kết quả sau cuộc khảo sát của Ban quản lý di tích cho thấy, số nhà cổ còn phục vụ nhu cầu ở được chỉ chiếm 50%, còn lại là mục, dột và số còn tốt chiếm tỷ lệ rất ít. Chẳng hạn như nhà của chú Lê Văn Nu, cây cột gỗ mun ở hàng thứ hai đã bị mục gần một đoạn, lớp ngói thứ hai mái ngói âm dương của nhà chú Đê, bà Định cũng đã mục gây dột nhiều nơi ... Và còn không ít nhà cổ đã chịu số phận bi thảm bị đập bỏ, như căn nhà của ông huyện Dẹp, ở thị trấn Chợ Gạo, trước đây là cơ quan của Huyện đoàn Chợ Gạo, nay đã bị đập phá gần hết, căn nhà của thôn Sum cạnh ngôi nhà anh Lâm Đăng Phát tại xã Đăng Hưng Phước đã bị san bằng để xây trụ sở UBND xã Đăng Hưng Phước...

Được biết, trong số 350 nhà cổ của Tiền Giang, chỉ có một ngôi nhà của dòng họ Trần dựng lên năm 1938 ở xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè hiện do anh Trần Văn Bính thừa kế, đã được Trường Đại học Nữ Chiêu Hoàng (Nhật Bản) đầu tư kinh phí để trùng tu. Kế hoạch này nằm trong chương trình của dự án trùng tu nhà cổ mang kiến trúc dân gian của tổ chức Bảo tồn văn hóa và y tế Nhật là JICA phụ trách. Nhưng những ngôi nhà may mắn lọt vào “mắt xanh” của những tổ chức bảo tồn di sản thế giới còn rất hiếm hoi. Thiết nghĩ tỉnh Tiền Giang cần có một dự án hỗ trợ người dân trùng tu những ngôi nhà cổ còn trên địa bàn tỉnh, vì một số chủ nhà thực sự không có khả năng. Có như vậy, chúng ta mới có thể bảo tồn được vốn di sản quý giá mà giáù trị văn hóa có thể sánh cùng với phố cổ Hội An. Và từ đó, ngành du lịch sẽ gắn những địa chỉ ngôi nhà này vào các tour du lịch sinh thái nhằm tạo thêm nét đa dạng phong phú của du lịch miệt vườn vốn đang được ưa thích của khách ngoại quốc.


Wednesday, March 23, 2011

Ethics approval

got my ethics approval today, counting down to the day of going back to Vietnam.

Saturday, March 19, 2011

Thầy ơi, chữ "tâm" sao viết khó quá!



Có một chữ chỉ vẻn vẹn bốn nét mà con viết mãi không thành. Đấy là chữ "TÂM" thầy ạ! Kì học đầu tiên, thấy trong lịch học có môn Cơ sở ngôn ngữ và văn tự Hán Nôm, con đã thấy khó hiểu.
Đó là môn học gì nhỉ? Chẳng lẽ học ở khoa Văn thì phải học cả chữ Hán. Cũng thú vị đây!
Buổi học đầu tiên, con đi học mà vẫn chưa biết mình học cái gì, nhưng thấy háo hức - như một đứa trẻ trong một sinh viên còn nhiều bỡ ngỡ với môi trường học tập mới. Và thầy bước vào, mang đến cho chúng con những điều mới lạ, rồi dần dần con cũng hình dung ra cái mình đang học, bằng một niềm say mê, thú vị đến lạ thường… Con đâu biết rằng mình đã yêu những nét chữ Hán ngay từ cái ngày đầu được biết và viết nó. Những nét sổ, nét ngang, những nét chấm, nét mác… hợp lại mà thành những chữ có hình thù giống với ý nghĩa nó mang trong mình, như thể những con chữ mang linh hồn cuộc sống. Con miệt mài, mê mẩn viết thuộc từng chữ… Niềm say mê khiến người ta dễ dàng thành công. Và sự thành công nhỏ nhoi của con là được thầy khen viết chữ Hán đẹp.
Con viết chữ "nhật", "nguyệt", "mộc", "thủy"… rồi cả những chữ nhiều nét như "điểu", "ngư"… thật dễ dàng. Nhưng có một chữ chỉ vẻn vẹn bốn nét mà con viết mãi không thành. Đấy là chữ "TÂM" thầy ạ!
Chữ "tâm" sao viết khó quá thầy ơi! Nó chỉ có ba nét chấm và một nét cong móc thôi. Thầy bảo viết chữ Hán phải viết theo quy tắc bút thuận, nhưng khi đặt bút viết con lại không nhớ trật tự của từng nét. Con cẩu thả nguệch một nét cong móc rồi đánh ba nét chấm vào. Khi nhìn vào chữ ấy, người ta làm sao mà biết mình có viết đúng theo quy tắc hay không. Thầy dạy, lòng người cũng cần phải có trật tự, phải biết suy nghĩ trước sau, nên con không dám viết cẩu thả, bừa bãi nữa. Dần dần, con cũng nhớ được rằng phải chấm "giọt máu" ở ngoài cùng tay trái trước, rồi vẽ nét cong móc hình quả tim và cuối cùng mới là hai "giọt máu" còn lại. Như thế mới là chữ "tâm" chỉn chu thầy nhỉ?
Nhớ rồi con viết đi viết lại nhiều lần, nhưng mỗi lần nhìn lại cái chữ "tâm" là thành quả ấy con đều không ưng ý. Chữ tâm thầy viết đẹp hơn cơ. Ba nét chấm như những giọt máu căng tròn chảy vào quả tim, như tình thương lúc nào cũng cuộn chảy và ắp đầy trong tâm. Sao ba nét ấy con viết nó khô khốc, gầy guộc quá, không có chút hồn nào cả! Con buồn… Lẽ nào con chưa có nhiều tình thương để gửi vào ba "giọt máu" ấy? Thầy ơi, chữ "tâm" sao viết khó quá vậy!
Đến cái nét cong móc kia còn phức tạp hơn. Khi con lớn lên một chút, con hiểu ra rằng không thể nguệch ngoạc vẽ cho giống hình quả tim là được. Phải vẽ thế nào để nó ra hình thù của lòng người mới được chứ? Nét này có đoạn phải viết cong tròn, mềm mại và đầy đặn. Đó là cái góc chứa mọi tình cảm của nhân gian, lúc nào cũng muốn thâu vào tất cả, ôm ấp tất cả để căng mọng tình đời. Nhưng cũng có đoạn phải cứng tay mà viết nét móc cho nhọn. Đó là cái phần gai góc của tâm hồn con người. Cái tâm cần gai góc để thấu hiểu nhân tình, để tình yêu mình gửi đi không bị nhầm chỗ. Con người ta cứ hiền mãi thì đến một ngày dễ ác lắm! Ác đến thậm tệ… Bởi thế vẫn cần có những lúc góc cạnh, sắc nhọn để giải tỏa cái "tôi" cho nó không quay lại đâm thủng phần mềm mại, cong tròn kia. Trong thâm tâm, con vẫn ý thức được từng đoạn từng nét ấy, nhưng cầm bút viết, con vẫn không sao chỉnh được theo ý muốn, bàn tay con cứng lại… Bao nhiêu năm vẫn không viết được một chữ "tâm" hoàn hảo. Chữ "tâm" sao viết khó quá thầy ơi!
"Thầy ơi, chữ "tâm" sao viết khó quá?". Mỉm cười âu yếm nhìn con, thầy bảo: "Con đã tập viết chữ "tâm" được bao nhiêu năm, còn thầy đã tập viết nó gần cả một đời rồi. Cả một đời tập viết chữ "tâm" mà thầy cũng chưa viết nó được hoàn hảo, được ra hồn". Con hiểu rồi, cuộc sống là hành trình đi kiếm tìm chữ "tâm" và khi tìm được rồi thì phải trau chuốt cho nó. Viết chữ "tâm" khó nên con phải tập viết nó đến cuối đời, đến khi nào nhắm mắt xuôi tay…
Theo Mực Tím

Nghiên cứu khoa học





- sưu tầm-


1) "... nguyên tắc quan trọng là tác giả phải trích dẫn bản gốc của tài liệu tham khảo, chứ không trích từ nguồn thứ phát (secondary sources).  Chẳng hạn như nếu muốn trích dẫn Nietzsche, thì tác giả phải đọc Nietzsche, chứ không phải trích dẫn từ một tác giả khác đọc hay dịch Nietzsche.  Lí do đơn giản là người ta có thể hiểu  sai hoặc dịch sai Nietzsche, và trích dẫn từ nguồn thứ phát sẽ có thể dẫn đến hệ quả sai dây chuyền.." (nguồn: http://nguyenvantuan.net/otherskills/1201-ki-nang-nghien-cuu-lap-luan-va-trich-dan)


2) Luận án chỉ là một tiêu chuẩn (có thể quan trọng) trong các tiêu chuẩn để được cấp bằng tiến sĩ. Ngoài luận án ra, nghiên cứu sinh phải đáp ứng 6 tiêu chuẩn như sau :
  • Nghiên cứu sinh phải chứng tỏ mình có những kiến thức cơ bản về khoa học, và những kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực nghiên cứu mà thí sinh theo đuổi;
  • Nghiên cứu sinh phải am hiểu các tài liệu nghiên cứu cần thiết về lĩnh vực chuyên môn mình theo đuổi, và phải có khả năng cập nhật hóa kiến thức cũng như tất cả những phát triển mới liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu;
  • Nghiên cứu sinh phải chứng tỏ kĩ năng phát hiện vấn đề hay đặt câu hỏi có ý nghĩa cho nghiên cứu chuyên ngành của mình;
  • Nghiên cứu sinh phải làm chủ được phương pháp nghiên cứu khoa học hay phương pháp thí nghiệm cơ bản;
  • Nghiên cứu sinh phải chứng tỏ đã đạt được những kĩ năng về truyền đạt thông tin, kể cả trình bày kết quả nghiên cứu trong các diễn đàn khoa học quốc gia và quốc tế, khả năng viết báo cáo khoa học;
  • Nghiên cứu sinh phải chứng tỏ mình đã nắm vững kĩ năng thiết kế một công trình nghiên cứu và độc lập trong nghiên cứu
3) Học tiến sĩ để làm gì?
  • Thứ nhất, thí sinh có thể tự hào rằng mình đã hoàn tất chương trình học, hoàn tất nghiên cứu, và được trao văn bằng tiến sĩ.  Nếu thí sinh có khả năng và đam mê, sự nghiệp nghiên cứu khoa học có thể đem lại cho thí sinh nhiều phần thưởng vật chất và tinh thần có giá mà các ngành nghề khác không có được.
  • Thứ hai, trong khi theo học tiến sĩ hay sau khi tốt nghiệp, thí sinh có thể sẽ gặp gỡ và làm việc với những người thông minh nhất trên hành tinh này.  Thí sinh sẽ tiếp cận và tiến dần đến những lí tưởng và ý tưởng không nằm trong tầm tay của mình, và để làm việc đó, thí sinh sẽ cảm thấy tri thức mình trưởng thành thêm.  Thí sinh sẽ giải quyết nhiều vấn đề mình chưa bao giờ gặp trước đó.  Thí sinh sẽ khám phá các khái niệm chưa bao giờ được nghe đến.  Thí sinh sẽ phát hiện những nguyên lí có thể làm thay đổi xã hội và con người.
  • Thứ ba là lí tưởng sống của người làm nghiên cứu khoa học rất có ý nghĩa.
(nguồn: http://nguyenvantuan.net/education/3-edu/968-tien-si-la-gi-)

Monday, March 7, 2011

Hòai cổ!



Hôm nay ngồi nhớ lại bài thơ xưa của Thôi Hộ.

Đề Đô Thành Nam Trang
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong
- Thôi Hộ-



Đề (thơ) ở trại phía Nam Đô Thành
Ngày này năm ngoái tại cửa đây
Hoa đào và mặt người cùng ánh lên sắc hồng
Gương mặt người xưa giờ không biết chốn nao
(Chỉ thấy) hoa đào vẫn như cũ cười với gió đông.
  • Đô Thành: Tức Trường An (kinh đô nhà Đường)



Saturday, March 5, 2011

Nữa ly nước

Bạn thấy gì trong 1/2 ly nước?


Hãy nhìn theo cách là bạn "CÓ / CÒN" nữa ly nước chứ không phải bạn đã mất đi nữa ly. Hãy nhìn nó như 'nữa ly nước đầy'.
Hãy nhìn đời lạc quan để sống!

Lượm lặt

Friday, March 4, 2011

Qua khung cửa kiếng

Một đôi vợ chồng trẻ vừa dọn vào một căn nhà mới. Sáng hôm sau, vào lúc ăn sáng, cô vợ thấy nột người phụ nữ láng giềng đem phơi quần áo vừa giặt. Cô bảo: “Quần áo còn bẩn quá, rõ bà này chẳng biết giặt.” Có lẽ bà ta cần loại xà-phòng khác tốt hơn. Anh chồng nhìn qua rồi im lặng. Và rồi cứ mỗi lần thấy người láng giềng phơi quần áo thì lại có lời phê phán...


Một tháng sau, vào một buổi sáng, cô vợ ngạc nhiên khi thấy quần áo người láng giềng đem phơi sạch sẽ và cô nói với chồng: “Anh xem kìa, bà ta đã học được cách giặt giũ! Không biết ai đã dạy cho bà ấy?" Anh chồng đáp: “Không... sáng nay anh dậy sớm và lau khung cửa kiếng nhà mình ấy chứ!"


Cuộc đời cũng thế. Tất cả tùy thuộc vào mức độ sạch của khung cửa sổ mà qua đó ta nhìn các sự kiện. Trước khi phê phán, thiết tưởng có lẽ trước tiên nên xác định lại cái nhìn của chúng ta. Như thế, chúng ta sẽ nhìn thấy rõ ràng sự trong sáng của tâm hồn người khác.