(Sài Gòn Giải Phóng) Đập vào mắt chúng tôi là những hàng cột bằng gỗ mun đỏ với kích thước to cỡ cả người ôm, những bức hoành, câu liễn được chạm khắc tinh vi, sắc sảo, những mái ngói âm dương đã bạc mốc phủ lớp rêu xanh của thời gian... Chủ nhân những ngôi nhà trên 100 tuổi ấy đã là hậu duệ thứ ba, thứ tư trong dòng họ. Nhưng tiếc thay, trải qua sự bào mòn của thời gian, nhiều ngôi nhà cổ đã bị xuống cấp trầm trọng và có nguy cơ bị biến mất...
Thực trạng những ngôi nhà cổ Trong chuyến theo anh Lê Ái Siêm, Giám đốc Nhà Bảo tàng Tiền Giang, khảo sát, tập hợp tư liệu ngôi đình thần của xã Đăng Hưng Phước huyện Chợ Gạo nhằm đề nghị công nhận di tích lịch sử, chúng tôi thật xót xa khi thấy một trong số những căn nhà xưa ở sát chân cầu Kinh ấp Bình Phú Quới, xã Đăng Hưng Phước bị đập vì diện tích xâm phạm mốc lộ giới. Dãy nhà này vốn được nhiều người trong huyện biết đến là “khu phố Ông Văn” vốn có từ lâu đời (địa danh “Ông Văn” là tên của ông Dương Văn Văn vốn được xem là bậc có công khai phá vùng đất này). Nổi bật lên trong dãy nhà là ngôi nhà của anh Lâm Đăng Phát, 41 tuổi, cháu đời thứ tư của dòng họ Lâm. Căn nhà này là một trong ba căn ở Đăng Hưng Phước có tuổi xây cất gần 100 năm. Ngôi nhà được cất theo kiểu 3 căn, 2 chái, cột gỗ, mái lợp ngói âm dương, tường xây gạch đôi, nền lót gạch Tàu. Trên nóc, các đầu kèo, xiên trích, đố, vòm cửa đều được chạm hoa văn mang đậm nét thiên nhiên Nam Bộ. Hiện căn nhà này vẫn còn nguyên vẹn, chỉ có ngôi nhà sau đã được trùng tu lại do lớp ngói âm dương bị mục. Trong nhà vẫn còn lưu giữ một số cổ vật như, bàn, ghế, tủ thờ, khuôn liễn... đặc biệt trên bức liễn có ghi năm xây dựng 1911.
Tương tự, căn nhà của cụ Lý Thị Định, 90 tuổi, tại ấp Bình Phú Quới cũng có thời gian xây cất xấp xỉ 100 năm. Trong nhà còn lưu giữ nhiều vật cổ như đèn treo, bộ lư đồng, tủ, thờ, chạm khắc tinh xảo, bức hoành... Hiện mái nhà này đã có nhiều dấu hiệu mục và bị dột, còn căn nhà sau đã được trùng tu lại do hệ thống cột bằng gỗ dầu đã bị mục. Người con út của cụ Định là bà Trần Thị Thanh Hương, 61 tuổi, vốn là một cựu giáo viên của Trường Tiểu học Đăng Hưng Phước, thuộc con cháu đời thứ tư của dòng họ Trần cho biết: “Gia đình cũng đang có kế hoạch trùng tu lại mái nhà vì sợ để lâu sẽ ảnh hưởng đến vật dụng bên trong”.
Theo thống kê chưa đầy đủ, thị xã Gò Công, vùng đất vốn được xem là “địa linh nhân kiệt”, là nơi tập trung nhiều ngôi nhà cổ nhất, đặc biệt là trong nội ô và vùng cận trung tâm còn khoảng 100 ngôi nhà. Anh Hoàng, Chủ tịch xã Long Hưng, thị xã Gò Công, đã giới thiệu cho tôi địa chỉ 3 ngôi nhà vốn được xem là cổ nhất tại ấp Lăng Hoàng Gia. Nằm cạnh dòng sông Sơn Quy là ngôi nhà của chú Phạm Văn Đê, 57 tuổi, cháu cố thừa kế họ Phạm. Theo lời chú Đê, ông cố chú vốn ở chợ Nhật Tảo, tỉnh Long An, sau đó tránh giặc Pháp nên chạy đến khẩn điền ở đây, căn nhà này được cất vào năm 1902. Thân sinh của chú Đê là liệt sĩ Phạm Huỳnh Anh hoạt động chống Pháp, hy sinh vào năm 1948 khi chú vừa tròn 3 tuổi. Cũng vì lý do này mà những vật dụng cổ xưa trong nhà đã bị Tây cướp sạch, kể cả những bổ kho đóng vách. Ngôi nhà chính cất theo dạng chữ đinh, mái lợp ngói âm dương, cột bằng gỗ mun đỏ to cỡ người ôm. Căn nhà phụ và nhà bếp đã được cất lại vì vào năm 1958 bị bom. Riêng cái cổng vào nhà xây bằng gạch thì đến nay vẫn còn đứng vững.
Ngôi nhà của chú Lê Văn Nu, 62 tuổi, cùng ấp cũng được cất theo kiểu chữ đinh, gỗ mun, mái lợp ngói âm dương và mọi kiến trúc chạm trổ trong nhà còn nguyên vẹn, kể cả những câu hoành, liễn và tấm gỗ mun gần 1m chạm trổ tinh vi có khắc ba chữ “Phước, Lộc Thọ”. Chỉ tiếc là căn nhà phụ vừa bị dỡ cách đây 2 tháng để xây lại vì mái nhà và hệ thống cột, kèo đã mục.
Sớm có một kế hoạch bảo tồn Anh Nguyễn Phước Tuấn, thành viên của Ban quản lý di tích thuộc Sở VH-TT Tiền Giang cho biết, sau đợt khảo sát vừa qua, hiện toàn tỉnh còn 350 căn nhà cổ nằm rải rác ở các huyện. Theo các tài liệu của Pháp để lại và kết luận của những nhà sử học, nhà cổ ở Tiền Giang hiện được chia ra làm hai loại: cổ dân gian truyền thống, cụ thể là các căn nhà cổ ở ấp Lăng Hoàng Gia, thị xã Gò Công, ngôi nhà của anh Phan Văn Đức ở Đông Hòa Hiệp, Cái Bè. Loại pha tạp kiến trúc của Đông Dương (kết hợp giữa kiến trúc Pháp và kiến trúc truyền thống Việt Nam) thì phổ biến hơn, như nhà Đốc phủ Hải tại trung tâm thị xã Gò Công (nay là nhà truyền thống của thị xã), hai căn nhà vừa kể trên ở xã Đăng Hưng Phước, lầu Bà Tám, lầu Bà Chín, lầu Hội đồng Năm ở xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây, một số công thự ở Mỹ Tho... Tuy nhiên, do hầu hết đều phải chịu sự bào mòn của thời gian và một số còn bị sự tàn phá của bom đạn chiến tranh nên phần lớn nhà cổ ở Tiền Giang gần như đã bị xuống cấp trầm trọng. Kết quả sau cuộc khảo sát của Ban quản lý di tích cho thấy, số nhà cổ còn phục vụ nhu cầu ở được chỉ chiếm 50%, còn lại là mục, dột và số còn tốt chiếm tỷ lệ rất ít. Chẳng hạn như nhà của chú Lê Văn Nu, cây cột gỗ mun ở hàng thứ hai đã bị mục gần một đoạn, lớp ngói thứ hai mái ngói âm dương của nhà chú Đê, bà Định cũng đã mục gây dột nhiều nơi ... Và còn không ít nhà cổ đã chịu số phận bi thảm bị đập bỏ, như căn nhà của ông huyện Dẹp, ở thị trấn Chợ Gạo, trước đây là cơ quan của Huyện đoàn Chợ Gạo, nay đã bị đập phá gần hết, căn nhà của thôn Sum cạnh ngôi nhà anh Lâm Đăng Phát tại xã Đăng Hưng Phước đã bị san bằng để xây trụ sở UBND xã Đăng Hưng Phước...
Được biết, trong số 350 nhà cổ của Tiền Giang, chỉ có một ngôi nhà của dòng họ Trần dựng lên năm 1938 ở xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè hiện do anh Trần Văn Bính thừa kế, đã được Trường Đại học Nữ Chiêu Hoàng (Nhật Bản) đầu tư kinh phí để trùng tu. Kế hoạch này nằm trong chương trình của dự án trùng tu nhà cổ mang kiến trúc dân gian của tổ chức Bảo tồn văn hóa và y tế Nhật là JICA phụ trách. Nhưng những ngôi nhà may mắn lọt vào “mắt xanh” của những tổ chức bảo tồn di sản thế giới còn rất hiếm hoi. Thiết nghĩ tỉnh Tiền Giang cần có một dự án hỗ trợ người dân trùng tu những ngôi nhà cổ còn trên địa bàn tỉnh, vì một số chủ nhà thực sự không có khả năng. Có như vậy, chúng ta mới có thể bảo tồn được vốn di sản quý giá mà giáù trị văn hóa có thể sánh cùng với phố cổ Hội An. Và từ đó, ngành du lịch sẽ gắn những địa chỉ ngôi nhà này vào các tour du lịch sinh thái nhằm tạo thêm nét đa dạng phong phú của du lịch miệt vườn vốn đang được ưa thích của khách ngoại quốc.
Cám ơn bạn về bài viết. Mời bạn ghé qua website ủng hộ mình nhé Ưu điểm của việc học gia sư
ReplyDelete