‘Lý con sáo’ trên sân khấu Úc
Khoảng lặng
Ngay khi hai MC ‘nhí’ vừa giới thiệu bài hát ‘Lý con sáo’, cả hội trường lắng xuống với tiếng guitar rải bập bùng khúc dạo đầu của nhạc sĩ Lê Tuyên. Người góp công đưa ‘Lý con sáo’ có mặt tại hội diễn, kiêm điều hành ban nhạc, nói trong suốt đêm diễn, anh chỉ chờ đến giờ phút này.
Đó là giờ phút mà 300 cái miệng xinh xắn của các em học sinh tiểu học cùng đồng thanh một làn điệu dân ca thuần Việt. ‘Ai í ai i đem, con sáo sáo sang sông” - những phụ âm ‘s’ được phát ra rất chuẩn, theo cách nhả chữ rặt Nam Bộ.
Buổi diễn kéo dài chừng hai tiếng đồng hồ, với 12 bài hát do dàn hợp ca có mặt trên sân khấu từ đầu tới cuối, và khoảng chừng đó tiết mục hát múa đại diện cho 11 trường trong vùng.
Tuyệt đại đa số các tác phẩm được trình diễn đều sôi động trên nền nhạc pop, rock và trang phục đủ màu sắc của các bạn nhỏ. ‘Lý con sáo’ được hát ở những phút cuối, trở thành một điểm nhấn quan trọng, lạ, mềm, sâu lắng và không kém phần ‘hàn lâm’.
Trong tiếng vỗ tay tán thưởng của khán giả, có những giọng Việt Nam thốt lên: “hay quá!”
Bình đẳng
Một chị phụ huynh có con theo học trường tiểu học Yagoona, gần kề với Bankstown nơi diễn ra hội diễn, quay qua tâm sự: “Tôi rất bất ngờ và xúc động. Đây có lẽ là bản trình diễn hay nhất của ‘Lý con sáo’ từ trước đến giờ.”
Nhạc sĩ Lê Tuyên không giấu được niềm vui khi bạn bè, người thân đến chúc mừng và bày tỏ niềm cảm động khi đêm diễn vừa dứt. Anh nói: “Điều quan trọng nhất là mình muốn giới thiệu một nhạc phẩm mang tính biểu tượng của Việt Nam và ghi dấu ấn cho khán giả, rằng, nhạc Việt là như vậy. Dù chúng ta có nói văn hóa Việt phong phú đến đâu mà không đưa ra được một điển hình nào thì những người sắc dân khác họ cũng không thể ghi nhớ.”
Khác với hầu hết các cuộc trình diễn hay giới thiệu văn hóa Việt ở nước ngoài, ‘Lý con sáo’ xuất hiện ở Gillawarna đã trở thành một trong những biểu tượng tinh thần chung cho sự đa văn hóa của Úc. Ở đây không có sự thi thố hay đua tài tranh sắc giữa các nền văn hóa. Trong số 12 tiết mục được tuyển chọn cho dàn hợp ca trình bày, chỉ có ‘Lý con sáo’ và một bài nữa của Châu Phi, còn lại đều là nhạc phổ thông Âu, Mỹ, Úc.
Ông Lê Tuyên nói: “Khán giả Việt có thể thấy tự hào về bản sắc của dân tộc mình nhưng hơn thế, tôi muốn nhấn mạnh rằng âm nhạc và văn hóa Úc cần được làm phong phú bởi các bản sắc khác nhau, một cách bình đẳng. Tư thế của nhạc truyền thống Việt Nam, do đó, xứng đáng được khẳng định.”
Tư tưởng này cũng được nhạc sĩ Lê Tuyên khẳng định qua việc nhận diện bản thân như một “người Úc gốc Việt” khi tiếp cận về văn hóa, hoàn toàn khác với nhận diện “người Việt sống ở Úc”. Anh cũng vừa có buổi trình diễn thành công tại Đại học Quốc gia Úc một tuần trước đó với tựa đề ‘Âm nhạc guitar Úc với ảnh hưởng của văn hóa Việt Nam’.
Nếu chứng kiến 300 em thiếu nhi đủ mọi màu da cùng hát ‘Lý con sáo’, bạn hẳn có thể chia sẻ quan điểm của nhạc sĩ Lê Tuyên, rằng, thế giới thần tiên của các em không cần thiết phải có ranh giới nào. Và ngay cả con sáo cũng có thể bay vượt qua mọi chiều kích không gian và thời gian.
No comments:
Post a Comment