Sunday, December 12, 2010

Ông Tây nghiện rau muống xào

TT - Năm 2010 được chọn đồng thời là Năm Đức ở VN và Năm VN ở Đức, khi chúng ta kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Có một gương mặt giản dị, thân quen góp phần làm nên quan hệ tốt đẹp và giàu truyền thống đó: tiến sĩ y học Norbert Moos.
Tiến sĩ Moos tại lễ khánh thành Bệnh viện Thể thao VN - Ảnh: V.C.A.
Ở Đức có một khái niệm “thế hệ 1968” để nói về một thế hệ tìm kiếm, một thế hệ đấu tranh, trong đó có những cuộc xuống đường rầm rộ và không mệt mỏi ủng hộ VN trong cuộc chiến tranh giải phóng.
Từ năm 1968...
Năm 1968, Norbert Moos tròn 20 tuổi. Ông đã sống như một người tiên phong trong thế hệ của mình. Để rồi tình yêu VN luôn cháy mãi không thôi. Để rồi ông luôn trăn trở làm sao truyền lại tình yêu ấy cho các thế hệ sau, thể hiện tình yêu ấy trong những công việc cụ thể. Mà tất cả phải có hiệu quả thật sự, đúng với phong cách làm việc của một người Đức.
Tôi gặp ông năm 1992, tại một hội nghị khoa học quốc tế. Khuôn mặt đôn hậu, sáng láng, thái độ say mê trong các cuộc thảo luận đã hấp dẫn tôi. Và khi đã gặp, đã nói chuyện với nhau rồi, chúng tôi đều hiểu đây quả thật là một duyên kỳ ngộ: ông - muốn gắn bó với VN, còn tôi - đang kiếm tìm những khả năng công nghệ trong cuộc mở cửa để phát triển. Ông lập tức sang VN, để suy nghĩ và kiểm tra nên làm như thế nào.
Norbert Moos
Sinh ngày 7-2-1948.
* Tiến sĩ y học, chuyên khoa: chấn thương chỉnh hình, y học thể thao, vật lý trị liệu.* Huy hiệu “Vì sự nghiệp TDTT“ của Việt Nam.* Số lần sang làm việc tại Việt Nam: 25.* Số ca mổ ở Việt Nam: 300 (Bệnh viện Thể thao, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Bệnh viện Chợ Rẫy, Quân y viện 175, Viện Vật lý y sinh học).* Số cán bộ Việt Nam sang tu nghiệp tại Đức: 7.* Các buổi giảng bài ở Việt Nam: 30.* Công nghệ chuyển giao sang Việt Nam: 3.
Thật ra việc làm đầu tiên của TS Moos ở VN là những ca mổ thay khớp háng bằng công nghệ mới khi sử dụng khớp nhân tạo thích nghi sinh học. Nhưng ông được nhiều người biết đến khi thực hiện ca mổ tái tạo dây chằng chéo trước cho Hồng Sơn năm 1996, sau đó kiên trì hướng dẫn anh thực hiện quá trình phục hồi gian nan. Sau hơn tám tháng điều trị, Sơn đã trở lại sân cỏ.
Đấy là một ngày tôi không bao giờ quên. Thể Công vào thi đấu trong Nam, và trận đầu thua ngay Hải Quan 0-2. Giám đốc CLB Hà Quang Liêm nghĩ rất lâu rồi quyết định tung Hồng Sơn, vẫn đang nghỉ ở Hà Nội, nhập cuộc. Để gây bất ngờ, Sơn bay vào bằng một chuyến bay quân sự trên máy bay AN 26. Và trong trận đầu tiên trở lại ấy, Sơn đã thi đấu xuất sắc, ghi một bàn giúp Thể Công thắng Cảng Sài Gòn 2-0. Bây giờ việc phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước đã trở nên phổ biến, nhưng chính ông Moos là người đã đưa công nghệ này vào VN từ 15 năm trước, một việc làm gây nhiều tác động đến toàn bộ sự phát triển của nền y học thể thao còn non trẻ của VN.
Nếu tìm hiểu kỹ, bạn sẽ thấy Norbert Moos yêu VN, say mê VN bằng cả cuộc đời của mình. Khi đến thăm Huế, ông tỉ mỉ hỏi đến từng ngôi nhà, từng mảnh đất, từng con số liên quan đến cuộc chiến hồi Mậu Thân, rồi ông dành hẳn một ngày tỉ mỉ chụp ảnh từng hiện vật trong bộ trưng bày đồ lam Huế tại nhà anh Hoa - giám đốc Sở Văn hóa hồi bấy giờ.
Khi đến Hội An, ông nằng nặc đòi ngủ lại ở một nhà khách bình dân để hưởng hết bầu không khí mộc mạc của thành phố cổ kính này. Ông đã đưa vợ và cả ba người con sang nghỉ ở VN, lên Sa Pa sống trong nhà dân trên triền núi, về Hạ Long ở trên một con thuyền dập dềnh sóng biển... Ông thích món rau muống xào đến mức nghiện, và nghiện luôn cả món cá kho tộ... Khi góp ý xây dựng Bệnh viện Thể thao VN, ông bàn: “Nên làm hành lang to hơn một chút, vì tôi thấy bệnh nhân VN có rất nhiều người nhà vào thăm, khác hẳn bên Đức”.
Truyền nghề
Ngay khi mổ cho Hồng Sơn, TS Moos đã băn khoăn: làm thế nào để những ca mổ như thế này có thể tiến hành tại VN. Đấy cũng chính là mong ước của chúng ta: chuyển giao công nghệ. Và hơn 10 năm sau, ca mổ tái tạo dây chằng chéo trước cho Ngọc Châm đã được tiến hành rất thành công ở Bệnh viện Thể thao VN. Đứng phụ cho bác sĩ Moos trong ca mổ này là bác sĩ Tùng, người được mời sang tu nghiệp tại Đức. Phụ trách phục hồi cho Châm, cũng rất thành công, là bác sĩ Phú, từng ba tháng sang học tập tại Bệnh viện St. Joseph-Bonn, nơi bác sĩ Moos là đầu ngành về chấn thương chỉnh hình.
TS Moos luôn nhấn mạnh: đào tạo, đào tạo bác sĩ trẻ. Ông vẫn than phiền làm như thế này thì chậm quá, số bác sĩ được đào tạo ít quá. Ít ai trong chúng ta biết rằng có một quỹ học bổng mang tên Moos. Với quỹ này, ông đã mời bảy bác sĩ VN sang học tập, trao đổi kinh nghiệm tại Đức, trong số đó có trung tướng Bình - hiện là giám đốc Học viện Quân y, GS Phượng - hiện là tổng cục phó Tổng cục TDTT, GS Hùng - hiện giảng dạy tại Đại học Y dược TP.HCM, bác sĩ Diệm - Viện Vật lý y sinh học, bác sĩ Đồng - Quân y viện 175... Chính với sự tham gia tích cực của TS Moos, kỹ thuật thay khớp háng và tái tạo dây chằng chéo trước đã sớm đến với Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Quân y viện 175 và toàn bộ quy trình chăm sóc vận động viên đã sớm đến với Bệnh viện Thể thao VN.
Ngay từ ngày đầu, yêu cầu giảng dạy và truyền bá thông tin đã được TS Moos đặt lên vị trí hàng đầu. Ông tham gia nhiều buổi giảng dạy: trong lớp chuyên khoa cấp I về y học thể thao, trong lớp đào tạo bác sĩ của Liên đoàn Bóng đá VN, tại Viện Khoa học TDTT, tại Bệnh viện Thể thao, tại các cơ sở khoa học y học của quân đội - nơi rất coi trọng việc phát triển chuyên ngành chấn thương chỉnh hình... Những buổi nói chuyện đại chúng của TS Moos cũng rất hấp dẫn, như buổi nói về y học thể thao tại Viện Goethe - Hà Nội, cũng là nơi ông đã tổ chức một buổi sưu tầm ảnh VN rất độc đáo.
Tại Á vận hội lần thứ 16 tổ chức tại Quảng Châu vừa qua, có hai kỹ thuật viên vật lý trị liệu người Đức đi cùng: anh Ruben và chị Thim, những người được chính TS Moos lựa chọn theo yêu cầu của lãnh đạo ngành TDTT VN. Chiều 28-11 tại sân bay Nội Bài, khi chia tay các vận động viên điền kinh, chị Thim đã khóc nức nở, rồi phải lấy cặp kính đen to che đi đôi mắt đỏ ngầu của mình. Tôi thật tiếc là ông Moos đã không được chứng kiến cảnh này. Bởi nếu ông có mặt ở đây, có lẽ ông sẽ yên lòng vì tình yêu VN của ông đang tiếp tục sống, vì công việc y học thể thao của ông sẽ tiếp tục có người thực hiện.
Bạn ơi...
Có một lần, TS Moos yêu cầu tôi đưa ông đến gặp nhà nhiếp ảnh quân đội Đoàn Công Tính để mua lại một số ảnh về chiến tranh VN. Ông nói với tôi: “Tôi muốn làm một triển lãm ở Đức để thế giới không quên VN”. Tôi băn khoăn: “Liệu có nhiều người xem không?”. Ông dứt khoát: “Chắc chắn nhé, nếu Mỹ tấn công Iraq thì sẽ có rất nhiều người tìm đến xem những bức ảnh này”. Quả đúng như thế. Ông bác sĩ này có một nhãn quan chính trị thật sắc sảo.
Ông Moos xây dựng một nhà triển lãm ảnh của riêng mình ở Cologne. Ông thường xuyên tổ chức triển lãm ảnh, tham gia các cuộc triển lãm ảnh và tự mình chụp ảnh - làm ảnh. Ông quả thật có tính cách một nghệ sĩ. Ông muốn trong ngôi nhà triển lãm của mình có một cái gì đó rất VN. Cuối cùng, ông chọn gỗ lim để lát sàn nhà và làm bậc cầu thang. Cái nền gỗ lim ấy, các bậc gỗ lim ấy càng ngày càng bóng loáng. Cũng giống như bụi tre ông trồng ở đầu nhà, bụi tre lên mạnh, sống khỏe một cách bất ngờ trên xứ sở băng tuyết.
Tôi viết đến đây và vẫn chưa đếm lại đã được bao nhiêu từ. Bao nhiêu từ để nói hết những điều muốn nói đây? Có lẽ không biết được. Tôi chỉ muốn khi bài báo này được in ra, tôi sẽ gọi điện thoại cho Norbert Moos và nói rằng bạn ơi, những người bạn VN đang đọc về bạn đấy.
Cũng thật hay, năm nay là năm của bạn bè hai nước chúng ta.
VŨ CHÍ ANH
Kế thừa tình yêu Việt Nam
Tiến sĩ Moos và tác giả
Điều Norbert Moos băn khoăn: làm sao để tình yêu VN nơi ông có sự kế thừa. Ông có một cậu con trai cả. Lần đầu tiên đưa cháu sang VN, ông yêu cầu tôi chọn cho bố con ông một khách sạn bình dân chứ không ở chế độ nhiều sao. Ông giải thích: ”Cháu bé mà ở sang quá thì dễ hư hỏng”.
Rồi ông dặn tôi dành cho ông một ngày tự do khi bố trí lịch làm việc. Sau mới biết, ông dành ngày ấy để thuê một con thuyền chở bố con ông len lỏi trong các kênh rạch thành phố. Khi đã yêu thì phải hiểu tất cả và yêu tất cả. Cuối cùng, ông cho cháu ở lại Hà Nội học một năm ở trường quốc tế, để kế thừa một tình yêu ông phải truyền lại: tình yêu VN.

No comments:

Post a Comment