Wednesday, February 2, 2011

Thơ tiên tri trong lịch sử Việt Nam



Trong trường kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân Việt Nam, nhiều sách lịch sử, ngọc phả, thần phả, truyện như: Đại Việt Sử ký toàn thư, Việt Sử lược, Thiền Uyển Tập Anh, Thơ văn Lý Trần... ghi lại hàng loạt thơ tiên tri, sấm ký của các vị thiền sư, danh nhân nổi tiếng.
Thế kỷ III, Khương Tăng Hội là vị sư thấm sâu kinh tạng, uyên thâm Phật lý, truyền dạy cho tăng đồ, Phật tử giáo pháp của Đức Phật, ông là người đầu tiên dạy tiên tri, sấm ngữ, nâng tầm nhận thức, khai mở tư duy sáng tạo cho con người, tín đồ.
Thế kỷ VIII, cuốn Thiền Uyển Tập Anh (thời Trần) viết về Thiền sư Định Không: “Sư là người am hiểu thế số, hành động đúng pháp tắc. Người trong làng tôn thờ...”. Định Không viết thơ tiên tri (hai trăm năm sau) nhà Lý ra đời, đạo Phật hưng thịnh:
“Để Phật pháp được hưng long...
Họ Lý làm vua...
Gà sau tháng chuột ở
Chính lúc Tam Bảo Hưng”
Trước khi qua đời, sư truyền lời tiên tri cho học trò Thông Thiện: “Ta muốn mở rộng làng xóm, nhưng e nửa chừng gặp tai họa, chắc có kẻ lạ đến phá hoại đất nước ta. Sau khi ta mất, con khéo giữ pháp này, gặp người họ Đinh thì truyền, nguyện ta đã mãn”(2). Hơn sáu mươi năm sau, vua nhà Đường cử Tiết Độ Sứ Cao Biền sang cai trị, bóc lột nhân dân ta. Thâm độc hơn, bọn chúng đến nhiều vùng đất, thế núi linh thiêng, nơi sẽ sinh người tài giỏi, trấn yểm triệt phá long mạch, trong đó có đất Cổ Pháp.
Thế kỷ IX, sư La Quý (dòng họ Đinh) tìm đến xin tu học thầy Thông Thiện, sau thời gian dài khổ luyện, biết học trò chứng ngộ giáo pháp, thầy truyền lại lời sư tổ.
Sư La Quý trước khi qua đời, viết thơ tiên tri:
“Thập bát tử định thành,
Bông gạo hiện Long hình
Thỏ gà trong tháng chuột
Nhất định thấy trời lên”(3)
Thập bát tử là chiết tự của chữ (dòng họ) Lý như đã định sẽ thành công. Sau này, cây gạo chùa Minh Châu bị sét đánh để lại dấu vết bài thơ Thụ Căn nổi tiếng đúng là Bông gạo hiện Long hình, tiên tri sự ra đời nhà Lý. Vua Lý Công Uẩn lên ngôi tháng 11 (chuột), năm Kỷ Dậu (gà) (1009), đúng Thỏ gà trong tháng chuột, nhân dân được hưởng thời kỳ dài Nhất định thấy trời lên.
Thế kỷ X, hai cuốn Việt Sử lược và Đại Việt Sử ký toàn thư ghi: thời nhà Đinh, năm Giáp Tuất, hiệu Thái Bình năm thứ 5 (974) được lời sấm:
“Đỗ Thích giết hai Đinh
Nhà Lê sinh thánh minh...”
Vài năm sau, trong bữa tiệc tối, vua say rượu nằm trong sân, Đỗ Thích nhân cơ hội giết vua và người con cả Nam Việt Vương Đinh Liễn, đúng là Đỗ Thích giết hai Đinh. Con trai thứ là Đinh Toàn lên, vua nhỏ tuổi không biết việc nước, văn võ bá quan liền suy tôn tướng quân Lê Hoàn. Vua Lê đảm đương việc nước, ổn định xã hội, nhân dân hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc và đánh tan giặc Tống sang xâm lược, đúng là Nhà Lê sinh thánh minh.
Thế kỷ XI, Thiền sư Vạn Hạnh tu tại chùa Lục Tổ, hương Cổ Pháp, ông tiên tri nhiều sự việc, vua Lê Đại Hành tôn kính, thường mời ông vào hỏi việc lớn.
Thời vua Lê Ngọa Triều tham tàn, bạo ngược, nhân dân oán ghét, giặc cướp khắp nơi, Vạn Hạnh thấy trước sự thay đổi, viết thơ tiên tri:
“Tật Lê chìm bể Bắc
Hạt Lý mọc trời Nam...
Tám cõi mừng bình an”(4)
Vài năm sau, Lý Công Uẩn lên ngôi vua Hạt Lý mọc trời Nam, đất nước thái bình, nhân dân hưởng cuộc sống ấm no, xã hội ngày càng phát triển, định hình nền văn hóa Lý đậm dấu ấn Phật, thật đúng Tám cõi mừng bình an.
Thế kỷ XII, vua Lý Nhân Tông linh thông Phật pháp, thấu hiểu vai trò, tầm trí tuệ vượt bậc của sư Vạn Hạnh, vua ca ngợi:
“Vạn Hạnh dung ba cõi
Thật hiệp lời sấm xưa...
Chống gậy trấn kinh đô”(5)
Thế kỷ XVI, Nguyễn Bỉnh Khiêm là học giả lớn, trí tuệ uyên bác, nổi tiếng lúc đương thời, tập thơ sấm của ông tiên tri suốt chiều dài hơn 500 năm sau, đến nay nhiều nhân sĩ, trí thức vẫn tìm hiểu, luận giải và phản vấn.
Các học giả, nhân sĩ như: Giáp Hải, Vũ Phương Đề, Phan Huy Chú, Nguyễn Thiếp, Lê Quý Đôn... và trí thức gần đây như: Phan Bội Châu, Đào Duy Anh, Tôn Quang Phiệt, Chu Thiên... luận bàn, thán phục tầm nhìn vượt không gian, thời gian của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Nguyễn Bỉnh Khiêm khuyên bảo hướng đi cho nhà Mạc, Trịnh, Nguyễn... đặc biệt cuối thế kỷ 18; trong cuốn Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch có ghi thơ tiên tri về sự xuất thế Danh nhân Văn hóa Hồ Chí Minh. Học giả Đào Duy Anh, Trần Lê Hựu và các danh sĩ luận bàn câu sấm trạng “... Nam Đàn sinh thánh”, Nhà văn hóa lớn Phan Bội Châu (quê Nam Đàn) linh giác phân giải:“Câu sấm ấy nếu có ứng... thì chính là ông Nguyễn Ái Quốc”.
Thế kỷ XX, tập sấm Trạng Trình tiên tri một số sự kiện lớn của dân tộc, câu 41, tiên tri Cách mạng Tháng Tám (1945): 
“...Đầu Thu gà gáy xôn xao
Trăng xưa sáng tỏ soi vào Thăng Long”(6)
Câu 1, Cách mạng tháng Tám (1945) vào tháng 7 âm lịch đầu Thu, năm Ất Dậu (năm gà) thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lậpnổi tiếng, được loài người đánh giá cao, đúng là Đầu Thu gà gáy xôn xaothức tỉnh muôn người.
Câu 2, chiết tự từ Trăng xưa gồm hai chữ nguyệt và cổ, ghép lại là tên dòng họ Hồ và Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa giành độc lập, tự do, dựng nền cộng hòa, dân chủ, thật đúng sáng tỏ soi vào Thăng Long.
Câu thơ 35tiên tri chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954):
Cửu cửu càn khôn dĩ định
Thanh minh thời tiết Hoa tàn
Trực đáo Dương đầu Mã vĩ
Hồ binh bát vạn nhập Tràng An(7)
Câu 1, cửu cửu (81 năm). Sau nhiều năm thua trận, đúng năm 1874 (Giáp Tuất), triều đình Huế phải cử người chính thức ký vào văn bản Hòa ước đầu hàng, chấp nhận sự bảo hộ về quân sự, văn hóa và ngoại giao... của Nhà nước Pháp. Tiếp tục các cuộc khởi nghĩa của nhân dân Việt Nam, đến chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 (Giáp Ngọ), quân đội Pháp thua, Chính phủ Pháp phải ký vào văn bản Hiệp định Giơnevơ thừa nhận nền độc lập và rút quân khỏi Việt Nam, đúng 81 năm, quy luật trời đất càn khôn dĩ định.
Câu 2, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ 55 ngày đêm toàn thắng, nằm trong tháng 3 âm lịch thanh minh thời tiết và Pháp thua (thời Nguyễn Bỉnh Khiêm, tên gọi người nước ngoài là Hoa Lang) đúng nghĩa Hoa tàn.
Câu 3, trực đáo đúng ngày 10/10 cuối năm Ngọ (1954) mã vĩ, quân đội ta vào tiếp quản Hà Nội. Đầu năm mùi - dương - dê (1955) dương đầu, các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể... về Hà Nội.
Câu 4, hai năm nêu trên, Hồ binh bát vạn, tám vạn quân Cụ Hồ, tiếp quản Thủ đô nhập Tràng An.
Câu thơ 46, tiên tri vai trò, sự nghiệp lẫy lừng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp:
“Đầu can võ tướng ra binh,
 Ắt là trăm họ thái bình âu ca...”(8)
Câu 1, theo chu kỳ âm lịch, Đầu can là chữ Giáp, hiểu hai nghĩa, tên của Võ Nguyên Giáp, đồng thời năm 1944 (Giáp Thân) Quân đội Nhân dân Việt Nam thành lập đúng năm Giáp, là Đầu can.
Võ tướng hiểu hai nghĩa, người đứng đầu Quân đội và cũng là tên dòng họVõ Nguyên Giáp.
Câu 2, gần năm thế kỷ nội chiến, tranh giành quyền, địa vị giữa các thế lực Nguyễn, Lê, Trịnh, Mạc... cùng bọn cướp, phỉ khắp nơi làm cho nhân dân chịu nhiều đau khổ. Đến thời Võ tướng ra binh, Người anh cả Quân đội Nhân dân Việt Nam đã lãnh đạo tài tình đánh tan thù trong, giặc ngoài, nhân dân được hưởng Ắt là trăm họ thái bình âu ca, chấm dứt năm thế kỷ bi thương và nhục nhã.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một trong những trận đánh “làm thay đổi bộ mặt thế giới”, niềm tự hào chung của các dân tộc thuộc địa và vai trò hai con người Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp có tầm trong lịch sử, được nhân loại ca ngợi. Trạng Trình sớm tiên tri, nhấn đậm trọng trách và sự kiện vĩ đại của dân tộc.
Trong tập sấm Trạng Trình còn thơ tiên tri một số sự kiện không thể bỏ qua ở thế kỷ XX.
- Sưu tầm -

No comments:

Post a Comment